ads-unit

Thị trường PC còn nhiều khoảng trống để tăng trưởng

0
Ông Trần Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện hãng máy tính Dell tại Việt Nam còn khẳng định Dell nhìn thấy một tiềm năng rất lớn khi mà Việt Nam tập trung đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử.
Trao đổi với phóng viên PC World Vietnam bên lề buổi offline ra mắt loạt máy tính xách tay mới diễn ra hôm 22/12, ông Trần Vũ cho biết có thể khẳng định Việt Nam hiện là thị trường có doanh số lớn nhất của Dell tại khu vực châu Á - TBD và bao gồm cả Hàn Quốc, và hằng quý hãng này bán tại Việt Nam trung bình 40.000 - 60.000 sản phẩm máy tính (gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay).
Dẫu thế, người đứng đầu văn phòng đại diện Dell tại Việt Nam cho biết ông và các đồng sự nhận thấy rằng thị trường máy tính cá nhân trong nước vẫn còn nhiều khoảng trống để tăng trưởng.
Riêng trong năm 2015, theo ông Vũ, Dell đã giữ ổn định thị trường (máy tính cá nhân - PV) cũng như thị phần đang nắm giữ tại Việt Nam, đồng thời từng bước mở rộng các dòng cũng như chủng loại sản phẩm máy tính cá nhân hướng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, điển hình như giới game thủ hay khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu trang bị máy tính "tất cả trong một" (All-In-One).

Ông Trần Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện Dell tại Việt Nam (bìa phải) kỳ vọng thị trường máy tính cá nhân tại Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, ông Vũ vẫn nhấn mạnh rằng, dù Dell có nhiều phân khúc sản phẩm phục vụ mọi nhu cầu khách hàng, tuy nhiên phân khúc sản phẩm dưới 500 USD thực sự không mang lại nhiều hiệu quả, thay vào đó Dell tập trung khai thác vào phân khúc sản phẩm có giá từ 500 - 1.000 USD, thậm chí trên 1.000 USD.
Lý giải tại sao Dell khá kỹ lưỡng và có phần dè dặt trong việc tung ra thị trường các mẫu máy tính bảng giá rẻ, ông Vũ cho rằng hiện phân khúc này đang tràn ngập các lựa chọn giá rẻ và sự cạnh tranh gay gắt về giá (và chưa đề cập đến yếu tố chất lượng) rõ ràng không phải là sân chơi tốt để tạo ra lợi nhuận.
"Chất lượng sản phẩm cao và dịch vụ bảo hành hoàn hảo là 2 tiêu chí hàng đầu mà Dell chú trọng cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam trong thời gian tới", ông Vũ chia sẻ.
Desktop lên ngôi
Theo ông Vũ, các số liệu thống kê được hãng này thu thập cho thấy Việt Nam là thị trường tiêu thụ máy tính AIO đạt mức thấp nhất tại khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên ngay từ đầu năm 2016 thì Dell sẽ tung ra loạt sản phẩm AIO mới với sự thay đổi đáng kể về kiểu dáng, kích thước màn hình và cấu hình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong nước.
"Xu hướng doanh nghiệp hiện đại, không gian làm việc ngày càng thu hẹp do giá thuê mặt bằng văn phòng tăng chắc chắn sẽ giúp dòng máy tính AIO và các mẫu PC kích thước nhỏ tìm được ưu thế trong tương lai", ông Vũ nói, "Ngoài ra, ở mảng máy tính xách tay, thực tế cho thấy game thủ thích màn hình lớn và card đồ họa rời, và Dell cũng đã có lộ trình cụ thể cho loạt sản phẩm mới tại Việt Nam ngay từ quý I/2016".
Mẫu máy tính xách tay Dell Inspiron 7559 vừa được Dell tung ra thị trường Việt Nam.


Ông Vũ cũng cho biết thêm, nếu như 2 quý đầu của năm 2015, thị trường Việt Nam tiêu thụ nhiều máy tính xách tay (laptop/notebook) hơn máy tính để bàn (desktop), thì chỉ tính trong tháng 10 và 11/2015, số liệu kinh doanh thực tế của Dell cho thấy đã có sự đổi chiều, mà cụ thể là số lượng desktop bán ra đã vượt qua laptop.
Cơ hội từ điện toán mây và chính phủ điện tử
Trả lời câu hỏi của phóng viên PC World Vietnam về xu hướng điện toán đám mây sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường máy tính cá nhân, đại diện Dell tại Việt Nam cho biết Dell hiện có 4 mảng kinh doanh chính là lưu trữ (storage), mạng (networking), máy tính (PC, máy trạm, máy chủ) và giải pháp. Do đó, để triển khai hay ứng dụng điện toán đám mây thì trước tiên khách hàng - chủ yếu là doanh nghiệp - cần trang bị máy tính, bởi khái niệm mây dù là private cloud hay public cloud thì cơ bản đó là sự chuyển dịch nơi lưu trữ phần mềm và dữ liệu từ local (tạm hiểu là máy chủ tại doanh nghiệp) sang cloud (tức máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây).
"Ít ai biết rằng, ngay chính tại Việt Nam, rất nhiều giải pháp điện toán đám mây mà các đơn vị tư vấn và triển khai giải pháp CNTT cung cấp cho khách hàng về bản chất được xây dựng trên nền tảng giải pháp tổng thể của Dell", ông Vũ khẳng định, "Điện toán đám mây sẽ kéo theo sự gia tăng về hạ tầng, lưu trữ, máy chủ và cả máy trạm chuyên dụng".
Riêng với mảng khách hàng là cơ quan nhà nước, đại diện Dell cho biết, quyết tâm triển khai thành công Chính phủ điện tử của Việt Nam trong thời gian tới cũng chính là "ngòi nổ" cho thị trường máy tính cá nhân nói riêng và giải pháp CNTT nói chung. "Ở mảng thị trường này, Dell cực kỳ có niềm tin sẽ giành được nhiều hợp đồng quan trọng dưới dạng hình thức đối tác trực tiếp hay gián tiếp qua các đối tác chiến lược".
Đặc biệt hơn nữa, vẫn theo lời ông Vũ, nhằm đánh dấu 15 năm có mặt tại Việt Nam, ngay từ đầu năm 2016, Dell sẽ xúc tiến các thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng để thành lập công ty TNHH Dell Việt Nam.
"Với tư cách pháp nhân là một doanh nghiệp, Dell Việt Nam trước hết sẽ tạo được niềm tin hơn cho khách hàng, sau nữa đây chính là cơ sở pháp lý để Dell dễ dàng hơn trong việc triển khai hàng loạt hoạt động thương mại mới", ông Vũ nhấn mạnh.
Theo PCWorld

About The Author

Hello, I am an web designer/developer from Melbourne, Australia. Sed ut perspiciatis unde omnis iste natus error sit voluptatem accusantium .